Kiểm tra tên miền
www.

TIN TỨC

Cùng hướng lên

Thứ năm | 25.07.2013 | 21:04

Điện toán đám mây không chỉ giúp sử dụng các tài nguyên CNTT hiệu quả và thuận tiện mà còn giúp "xanh" hóa môi trường.

Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn khắp các châu lục, tiết kiệm chi phí là một trong những xu thế tất yếu của các doanh nghiệp hiện nay. Có rất nhiều cách tiết kiệm chi tiêu trong các doanh nghiệp, đặc biệt những doanh nghiệp ứng dụng CNTT như ứng dụng các công nghệ "xanh" (xem trang 91), ảo hóa và nổi đình nổi đám trong những năm gần đây là điện toán đám mây (ĐTĐM). Có nhiều lý do để các doanh nghiệp chú trọng đến ĐTĐM, vì mô hình này có thể giúp cắt giảm chi phí liên quan đến các hoạt động cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT). Công ty có thể giảm chi phí đầu tư và vận hành bằng cách sử dụng tài nguyên khi cần và chỉ trả tiền cho những gì sử dụng.

ĐTĐM là một giải pháp kết hợp nhiều công nghệ (SOA - Service-oriented architecture – kiến trúc định hướng dịch vụ, ảo hóa...) và nhiều tài nguyên điện toán (phần cứng, phần mềm, mạng, lưu trữ...) có khả năng cung cấp theo yêu cầu của người dùng một cách nhanh chóng. Các nguồn tài nguyên hay các dịch vụ được quản lý chặt chẽ đảm bảo khả năng sẵn sàng cao, an ninh và chất lượng. Đặc biệt, đây là các giải pháp có tính linh hoạt cao, có khả năng điều chỉnh tăng hay giảm, đáp ứng theo từng nhu cầu tài nguyên của từng người dùng.

"Đám mây" đang tiếp tục lớn

Theo IDC dự báo, mô hình ĐTĐM sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong vòng 5 năm tới, mức đầu tư cho ĐTĐM sẽ tiếp tục tăng hơn gấp đôi trong vòng 3 năm nữa, tăng đến hơn 1 tỉ USD trong việc đầu tư cho "mây" công cộng và tư nhân. Theo khảo sát của IDC, năm 2010, có hơn 44% doanh nghiệp xem xét xây dựng mô hình đám mây riêng.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực CNTT, giải pháp ĐTĐM sẽ là một xu hướng trong tương lai bởi nó mang lại nhiều lợi ích cho các tổ chức và cơ quan chính phủ. ĐTĐM là cơ hội cho những nước đang phát triển như Việt Nam bởi sẽ có rất nhiều doanh nghiệp chưa đủ khả năng để tự xây dựng cơ sở hạ tầng của riêng mình. Với sự bùng nổ của Internet và nhu cầu thị trường, vài năm qua các tên tuổi lớn trên thế giới đã đưa ra thị trường nhiều mô hình ứng dụng ĐTĐM. Thời gian gần đây, các nhà cung cấp dịch vụ đám mây như Apple, Cisco, IBM, Google, HP, Microsoft, Oracle, Salesforce, Sun... liên tục giới thiệu tới người dùng và doanh nghiệp các giải pháp ứng dụng trên các "đám mây" của họ. Cisco, Microsoft, IBM, Intel và Salesforce là những hãng nổi tiếng trên thế giới đã triển khai mô hình dịch vụ ĐTĐM tới thị trường Việt Nam. Cuối năm 2010 vừa qua, IBM và Viện Công nghiệp Phần mềm và Nội dung Số Việt Nam (NISCI) đã ký thỏa thuận hợp tác nhằm thúc đẩy ứng dụng ĐTĐM tại Việt Nam.

Theo thông tin từ FPT IS, ĐTĐM đã được đưa vào chiến lược của FPT từ đầu năm 2010, và hiện tại FPT IS là đơn vị đầu mối triển khai dịch vụ này. Hiện FPT IS cũng đã xây dựng chương trình phát triển "FPT Cloud" và đang đầu tư tài chính, nhân lực, cũng như đẩy mạnh hợp tác với các đối tác cung cấp giải pháp điện toán đám mây, trong đó có Microsoft, IBM, Trend Micro và Salesfoce – đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ quản lý quan hệ khách hàng (CRM) trên nền tảng "mây"; Giải pháp bảo mật của hãng Trend Micro - Titanium Maximum Security 2011 ứng dụng công nghệ ĐTĐM giúp ngăn chặn những trang web bị lây nhiễm, tấn công lừa đảo, virus và phần mềm gián điệp trước khi chúng xâm nhập vào máy tính.

Cũng trong thời gian qua, Apple cũng đã tung ra dịch vụ MobileMe (http://www.me.com/) dành cho những tín đồ của họ. Dịch vụ này sẽ lưu trữ tất cả các thông tin của bạn (email, ảnh, lịch làm việc và danh sách liên lạc) trên "đám mây" và tự động đồng bộ chúng trên máy Mac, iPhone, iPad, iPod hay máy tính (hệ điều hành Windows). Tương tự, Sun cũng tung ra Blender 3D (http://www.blender.org/). Đây là trung tâm dữ liệu cho thuê của Sun dành cho doanh nghiệp. Người dùng cần bao nhiêu khả năng xử lý sẽ được đáp ứng bấy nhiêu. Blender 3D thường dùng để phân tích các dữ liệu khoa học, nhưng cũng có thể sử dụng để làm hoạt hình 3D. Oracle cũng đã công bố hệ thống phần mềm lớp giữa tích hợp Oracle Exalogic Elastic cloud (Hệ thống điện toán đám mây theo nhu cầu Oracle Exalogic) tại sự kiện Oracle OpenWorld 2010 vào tháng 9/2010. Oracle Exalogic Elastic Cloud là một hệ thống tích hợp phần cứng và phần mềm, được thiết kế, kiểm thử và tinh chỉnh bởi Oracle để chạy các ứng dụng Java và các ứng dụng không dựa trên nền tảng Java. Hệ thống này cung cấp một cơ sở hạ tầng ứng dụng điện toán đám mây hoàn chỉnh, hợp nhất một số lượng đa dạng các kiểu tải công việc Java và tải công việc không dựa trên nền tảng Java, đáp ứng được những yêu cầu khắt khe nhất về cấp độ dịch vụ. HP cũng vừa tung ra dịch vụ ĐTĐM (HP Enterprise Cloud Services-Compute) dành cho doanh nghiệp và các tổ chức. Dịch vụ này sẽ cung cấp đám mây cho các tổ chức thông qua 2 trung tâm dữ liệu của HP, đặt tại Tulsa, Oklahoma (Mỹ) và Wynyard (Anh).

Khách hàng sẽ được miễn phí trong việc lựa chọn nền tảng đám mây, Windows Azure hay chương trình dựa trên máy ảo.

Mới đây, tập đoàn Fujitsu của (Nhật Bản) cũng đã có thông báo rằng họ vừa lên kế hoạch đầu tư hơn 1,2 tỷ USD cho các dịch vụ điện toán đám mây trong năm 2011 này. Hiện tập đoàn này đang tìm kiếm các sản phẩm và dịch vụ mới trong mảng mô hình ĐTĐM nhằm thu hút các doanh nghiệp cũng như cộng đồng nhận ra ưu điểm của mô hình mới này.

Mô hình dịch vụ ĐTĐM

Dựa trên những thế mạnh của mình mà các hãng đưa ra các mô hình dịch vụ khác nhau. Hiện nay, có thể phân thành 3 mô hình dịch vụ ĐTĐM chính: IaaS (Infrastructure as a Service - Hạ tầng như một dịch vụ), PaaS (Platform as a Service - Nền tảng như một dịch vụ) và SaaS (Software as a Service - Phần mềm như một dịch vụ). Đây là 3 mô hình có tính tương đồng với các dịch vụ CNTT truyền thống: máy chủ/lưu trữ (server/storage), phần mềm lớp giữa (middleware) và ứng dụng (application).

IaaS cung cấp môi trường xử lý (các máy chủ, lưu trữ, cân bằng tải, tường lửa). Những dịch vụ này có thể được thực hiện thông qua các công nghệ khác nhau, ảo hóa là một trong những công nghệ phổ biến nhất, ngoài ra còn có các công nghệ khác như tính toán lưới (grid computing), chuỗi (cluster)... Tiên phong trong môi trường dịch vụ này có lẽ không ai khác ngoài Amazon Web Services, GoGrid, Rackspace...Trong đó, Amazon Web Services là tập hợp các dịch vụ cho phép người dùng truy cập một số dịch vụ web cơ bản: lưu trữ, tính toán, truyền thông điệp và tập dữ liệu. GoGrid cung cấp nền tảng máy ảo Windows và Linux kèm nhiều thành phần và tính năng mà người dùng thường xuyên sử dụng nhất. Dịch vụ đám mây Rackspace cung cấp các dịch vụ máy ảo, web, không gian lưu trữ dữ liệu với nhiều công cụ phụ trợ.

PaaS cung cấp môi trường cho người dùng phát triển và chạy các ứng dụng: chứng thực, ủy quyền, quản lý phiên, quản lý siêu dữ liệu... Mô hình dịch vụ này điển hình có Amazon EC2, Google App Engine, Microsoft Windows Azure, SaaSGrid. Trong đó, Google App Engine cho phép người dùng tải lên mã Java hay Python để chạy nhanh trên bất kỳ số máy nào, giá dịch vụ này gần như miễn phí. Windows Azure được Microsoft phát triển, cho phép cư dân mạng hay các nhà phát triển ứng dụng có thể xây dựng và cung cấp các dịch vụ trực tuyến trên nền tảng cơ sở hạ tầng Windows. Đây cũng là sản phẩm Microsoft dùng để cạnh tranh với nền tảng công nghệ dịch vụ điện toán đám mây Elastic Compute Cloud (EC2) của Amazon.com.

SaaS là mô hình đám mây tiên tiến và phức tạp nhất. Các dịch vụ phần mềm cung cấp các chức năng giúp người dùng giải quyết các vấn đề dù là người dùng đơn lẻ hay nhân viên của một công ty. Một số ví dụ về các giải pháp hiện đang được cung cấp theo mô hình SaaS bao gồm: Salesforce CRM, Sugar CRM, Microsoft Dynamics CRM. Trong đó, Salesforce cung cấp dịch vụ quản lý quan hệ khách hàng (CRM) tiên phong thông qua hình thức thuê bao dựa trên người dùng mà không phải cài đặt bất kỳ phần cứng hay phần mềm nào. Đây được coi là phương pháp tìm kiếm, bán hàng và hỗ trợ khách hàng nhanh, giúp doanh nghiệp quản lý tất cả các mối quan hệ khách hàng được thiết lập trong quá trình kinh doanh.

ĐTĐM có 3 mô hình dịch vụ chính: đám mây công cộng (public cloud), đám mây riêng (private cloud) và đám mây lai (hybrid cloud). Trong đó, các nhà cung cấp và các doanh nghiệp đang tiếp tục chú trọng đầu tư và phát triển mạnh đám mây công cộng và đám mây riêng.

Đám mây công cộng là các dịch vụ đám mây do nhà cung cấp đám mây quản lý. Nhà cung cấp dịch vụ sẽ chịu trách nhiệm cài đặt, quản lý, cung cấp và bảo trì; khách hàng chỉ thuê sử dụng những tài nguyên cần thiết và chỉ trả phí trên những gì mà họ sử dụng.

Đám mây riêng là các dịch vụ đám mây do công ty lập riêng để sử dụng trong nội bộ doanh nghiệp. Các đám mây riêng chiếm nhiều lợi thế hơn đám mây chung, vì được xây dựng dựa trên tài nguyên và nhu cầu thực tế của công ty nên sẽ đáp ứng yêu cầu tốt hơn, dự liệu an toàn hơn. Tuy nhiên, chi phí thiết lập, vận hành và bảo trì đám mây này không phải công ty nào cũng "kham" nổi.

Đám mây lai là một tập hợp ghép giữa các đám mây nội bộ, các dịch vụ đám mây bên ngoài, thậm chí là SaaS truyền thống. Việc lai ghép các mảnh tùy vào từng doanh nghiệp cụ thể và tùy theo từng tổ chức CNTT cung cấp dịch vụ. Những đám mây này thường do doanh nghiệp tạo ra và trách nhiệm quản lý sẽ được phân chia giữa doanh nghiệp và nhà cung cấp đám mây công cộng.

Dự báo về tương lai của ĐTĐM cũng như trong năm 2011 này có rất nhiều ý kiến khác biệt. Tuy nhiên, trong cuộc họp thường niên các giám đốc điều hành doanh nghiệp ở Washington vào tháng 5/2010 vừa qua, đại diện Microsoft, ông Ballmer phát biểu rằng tương lai của điện toán nằm ở đám mây Internet. Microsoft coi ĐTĐM đang đóng nhiều vai trò trong hoạt động đầu tư vào máy tính cá nhân, điện thoại thông minh và tivi truy cập Internet. Theo Ballmer, đây là những thiết bị thông minh và chúng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, vì vậy đám mây ẩn chứa những cơ hội đến khó tin.